Cuộc đời và phong cách Eino Leino

Gia đình và thời trẻ

Eino Leino chịu báp têm với tên gọi Armas Einar Leopold Lönnbohm tại thị trấn Paltamo, là con út và con trai thứ bảy trong gia đình có mười người con. Gia đình Leino sống tại làng Paltaniemi.[2][3] Cha Leino đã đổi tên từ Antti Mustonen thành Anders Lönnbohm để tăng khả năng có thể cưới được người vợ tương lai thuộc giới thượng lưu là Anna Emilia Kyrenius.[4] Ông Lönnbohm làm công chức đạc điền, đồng thời quản lý trang trại Hövelö của riêng gia đình.[5] Trang trại nằm trong vùng hồ OulujärviElias Lönnrot từng sống trước đó 40 năm.[6] Dòng họ Leino có nguồn gốc từ LiperiSortavala tại Karelia, còn bên ngoại truy ngược về Tây Nam Phần Lan.[7]

Nhà Lönnbohm dường như là nơi nuôi dưỡng và phát triển tinh thần phong trào Fennoman của Johan Vilhelm Snellman. Eino Leino sớm được tiếp thu tri thức và khả năng văn học từ các anh trai Oskar, Kaarlo, Viktor và đặc biệt là Kasimir. Kasimir Leino cũng là nhân vật văn hóa quan trọng tại Phần Lan trong vai trò nhà thơ, nhà phê bình và đạo diễn sân khấu; chính ông đã truyền lại ảnh hưởng văn hóa châu Âu đương thời cho anh chị em mình.[8] Năm 1898, Kasimir và Eino lập ra một tạp chí văn học.[1]

Tuổi thơ Eino ở Hövelö thấm đẫm những câu chuyện, dân ca và lời chú Kainuu cổ, cũng như chuyện kể hấp dẫn về thời Đại nộ hay Lâu đài KajaaniBắc Ostrobothnia. Những người chèo thuyền từ các vùng chết đói đến Oulu ghé qua bờ Hövelö cũng nhắc Eino về thực tế khắc nghiệt của cuộc sống.[8]

Cha mẹ qua đời khi Leino còn tuổi đi học. Leino bắt đầu đi học ở Kajaani rồi tiếp tục đến sống tại nhà họ hàng để học tại OuluHämeenlinna. Sau khi tốt nghiệp trung học Hämeenlinna, Leino vào học Đại học Helsinki.[1]

Leino học trường tiểu học Kajaani rồi lên trung học Oulu (1889–1890). Năm 1890, cha qua đời khiến kinh tế gia đình khó khăn, ông cùng với anh trai là nhà báo Oskar Lönnbohm chuyển đến Hämeenlinna.[9] Năm 1895, ông tốt nghiệp trung học Hämeenlinna ở tuổi 16. Leino cũng nhập học Đại học Helsinki nhưng sớm bỏ để theo đuổi niềm đam mêm văn học.[1]

Nơi sinh Eino Leino tại Hövelö, ảnh chụp năm 1932

Khi còn là học sinh, Leino đã bắt đầu tập tành làm thơ. Mùa thu năm 1890, khi 12 tuổi, ông có bài thơ Kajaani linna (Lâu đài Kajaani) đăng trên tờ Häme Sanomat do tổng biên tập Oskar Lönnbohm hỗ trợ.[10] Những bài thơ của Leino viết về tình cảm học trò dưới mái trường Hämeenlinna trên báo chép tay Vasama về sau được đưa vào tập thơ đầu tay Maaliskuun lauluja (Khúc hát tháng Ba) xuất bản năm 1896.[1] Khi còn học trung học, Leino đã tìm tòi về văn học thế giới. Ông biết về các tác gia văn học cổ đại qua những giờ tiếng Latinh. Ông cũng học đọc tác phẩm gốc bằng tiếng Đứctiếng Pháp của Heinrich Heine, Friedrich Nietzsche, Émile Zola, Guy de Maupassant. Năm 1894, Leino bắt đầu sự nghiệp dịch thuật văn học thế giới với tác phẩm đầu tay Kung Fjalar (Vua Fjalar) của nhà thơ Thụy Điển Johan Ludvig Runeberg, được Hội văn học Phần Lan (tiếng Phần Lan: Suomalaisen Kirjallisuuden Seura - SKS) ấn hành.[5]

Nhà phê bình trên Päivälehti và thi sĩ với Helkavirsiä

Bìa Helkavirsiä (1903) do Pekka Halonen thiết kế

Đến Helsinki, Eino Leino tìm ra nơi phát huy khả năng tư tưởng mình tại tờ báo tân thời Päivälehti. Ra đời năm 1889 theo sáng kiến của Eero Erkko, Juhani AhoArvid Järnefelt, tờ báo đã thúc đẩy cải cách quyền bầu cử và mở rộng các quyền chính trị, đồng thời phản đối chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và tư tưởng giáo hội bảo thủ của thế hệ cựu Fennoman. Tờ báo cũng chủ trương lập hiến trong quan hệ chính trị Đại công quốc Phần Lan trong Đế quốc Nga. Năm 1898, Leino là nhà phê bình văn học và sân khấu thường xuyên của Päivälehti. Vài năm sau, ông bắt đầu lấn sân sang các vấn đề văn hóa với bút danh "Mikko Vilkastus". Khi nhà chức trách Nga đóng cửa Päivälehti vì mang những quan điểm cấp tiến, tờ Helsingin Sanomat ra đời thế chỗ và Leino tiếp tục với bút danh "Teemu". Vào Cách mạng Nga (1905), ông viết khoảng một trăm tiểu luận đả kích "giới chức thân Nga, những kẻ bóp nghẹt tự do tôn giáo, hệ thống cảnh sát và hiến binh nhà nước" như được mô tả trong tiểu sử Leino của L. Onerva.[11] Vì giọng điệu châm biếm cay độc, Leino trở nên nổi tiếng nhưng cũng bị nhiều kẻ ghét bỏ.[1]

Eino Leino học nghề báo với anh trai Kasimir trên tạp chí văn hóa Nykyajassa (xuất bản 1897–1899).[12] Hai anh em thành lập tạp chí này để có thể giới thiệu và bình luận về các xu hướng nghệ thuật mới nhất của châu Âu.[1] Leino bày tỏ mong muốn ủng hộ giáo dục thẩm mỹ, yêu cầu bản dịch chất lượng cao cho các tác phẩm kinh điển và thúc đẩy lý tưởng về một "tổ quốc chung, không bị chia cắt" vì rào cản ngôn ngữ. Leino coi báo chí là kênh để mình nói chuyện trực tiếp với nhân dân Phần Lan.[13]

Viết báo khỏe cũng không ngăn nổi Eino Leino say sưa đắm mình vào thơ ca. Các tập thơ Sata ja yki laulua (Một trăm lẻ một bài hát) (1898) và Ajan aalloilla (Ta cưỡi sóng) (1899) có đặc trưng về sự chiêm nghiệm và thức tỉnh lòng yêu nước. Bài thơ Hymyilevä Apollo (Nụ cười Apollo) ca ngợi lòng khoan dung, tình yêu với người chung quanh. Ước mơ cho dân tộc Päivän poika (Chàng trai thời đại) thể hiện niềm tin lạc quan vào con người của chàng trai trẻ Leino.[14] Ngược lại, tập thơ Hiihätäjn virsiä (Thánh ca người trượt tuyết) (1900) nhuốm màu hoài niệm u sầu về ngôi nhà thời thơ ấu.[15]

Freya Schoultz xuân 1903

Đánh bạn với những đại diện thế hệ nhạc sĩ và nghệ sĩ Phần Lan đang nổi lên là Akseli Gallen-Kallela, Jean Sibelius, Robert Kajanus, Pekka HalonenEmil Wikstrom đã kích thích loại hình nghệ thuật mới trong Leino.[lower-alpha 1] Cùng với chủ nghĩa Karelia đang là chủ đạo cho Chủ nghĩa tân lãng mạn tại Phần Lan khi ấy, Leino bắt đầu đi sâu Kalevala. Vở kịch thơ Tuonela joutsen (Con thiên nga của Tuonela) (1898) và Sota valosta (Chiến đấu vì ánh sáng) (1900) được coi là khởi đầu cho chủ nghĩa tượng trưng trong văn học Phần Lan.[16] Chạy theo xu hướng nghệ thuật toàn châu Âu chống lại chủ nghĩa hiện thựcchủ nghĩa tự nhiên, thay vào đó tập trung coi thần thoại và cổ tích phổ quát là phản ánh cảm xúc và tư tưởng con người, Leino cũng tìm tư liệu để diễn giải thời đại mình thông qua Phần Lan cổ trong Kalevala.[17]

Nỗ lực này đạt đến đỉnh cao với tập thơ Helkavirsiä (Khúc ca địa ngục) xuất bản năm 1903, được coi là một trong những tác phẩm mang tính bước ngoặt của nền thơ ca Phần Lan. Áp dụng và biến đổi ngữ liệu Kalevala, Leino đã tạo ra những khúc balladtruyền thuyết theo phong cách cổ xưa, chủ đề và nhân vật thuộc thời Trung cổ Hämälä của Công giáo La Mã cũng như thế giới Đông La Mã-Karelia và Chính thống giáo-Kalevala.[18] Nhưng sâu xa nhất, các bài thơ đó nhắm đến những câu hỏi cơ bản của con người hiện đại: mối quan hệ mỗi cá nhân với cái chưa biết và cái chết, tự do cá nhân và giới hạn của tri thức.[19] Helkavirsiä được nhận xét là phản ánh "tính chất không khoan nhượng" dấu ấn của Ibsen và khả năng con người thách thức số phận chính mình dựa trên triết lý Nietzsche.[20] "Vòng xoáy dân gian và ngụ ngôn thô ráp" cũng kết nối với truyện thơ Simo Hurtta xuất bản năm 1904, được Leino dùng để mô tả những sự kiện trong Isoviha tại Bắc Karelia.[21]

Thời kỳ sáng tạo của Leino trong những năm đầu thế kỷ 20 được khơi nguồn từ tình yêu dành cho dịch giả Freya Schoultz, hai người kết hôn năm 1905.[22] Hai người có con gái là Eya Helka. Trong tập thơ Talviyö (Đêm đông) (1905) có bài Nocturne (Bóng đêm) tỏa ra vẻ thần bí của một đêm hè mà ông dành tặng cho người mình yêu. Sau chuyến đi dài ngày tới ParisBerlin, quan hệ vợ chồng bắt đầu nguội lạnh. Năm 1908, Leino dọn khỏi nhà chung ở Länsi Ranta (nay là Eteläranta 12). Cũng trong khoảng thời gian đó, ông dần có tình cảm với người bạn là nữ văn sĩ L. Onerva.[1]

Tiểu thuyết Routavuosi, kịch lịch sử, nhà phê bình trên Päivä

Báo văn hóa Päivä xuất bản tại Helsinki năm 1907–1911

Sau cách mạng Nga 1905, Leino đã đưa những trải nghiệm sâu sắc về thời cuộc vào tác phẩm vẫn thường gọi là bộ tiểu thuyết năm băng giá: Tuomas Vitikka (1906), Jaana Rönty (1907) và Olli Suurpää (1908). Trong đó, như sự tiếp nối luận chiến trên báo, ông đã nhổ tận gốc những điểm yếu dân tộc, phân định ra các hạng người trong thời đại mình, như kẻ phản bội lý tưởng và kẻ nổi loạn không đâu, cuối cùng trở nên những kẻ vô chính phủ.[23] Trong tiểu thuyết Tuomas Vitikka, Leino chế nhạo chủ nghĩa dân tộc tự mãn và tạo ra tuyến nhân vật châm biếm từ đại diện các thế hệ khác nhau thuộc phong trào dân tộc Phần Lan, độc giả đương thời có thể dễ dàng nhận ra những con người tiêu biểu này.[24]

Niềm đam mê cháy bỏng của Leino đối với sân khấu tiếp tục cả trong cả những bài phê bình lẫn các vở kịch do chính mình sáng tác. Lấy hình mẫu August Strindberg mà bản thân ngưỡng mộ, Leino tập trung vào lịch sử Trung Cổ và thử nghiệm phát triển tinh thần dân gian Phần Lan trong các vở Lalli (1907) và Maunu Tavast (1908). Vở Simo Hurtta (1908) tiếp tục chủ đề bài thơ cùng tên xuất bản trước đó.[5]

Cuộc Đại đình công 1905, Cải cách hiến pháp 1906 và Bầu cử quốc hội đầu tiên 1907 đã làm trầm trọng thêm các xung đột chính trị xã hội và đẩy Đảng Người Phần Lan, những người thân Thụy Điển, những người theo chủ nghĩa xã hộiĐảng Người Phần Lan Trẻ vào cuộc đấu tranh dữ dội tranh giành ảnh hưởng. Quan hệ với Nga bước vào "thời kỳ băng giá". Đảng Người Phần Lan Trẻ cũng bị chia rẽ nội bộ giữa giai cấp tư sản bảo thủnhững người theo chủ nghĩa cải cách xã hội tự do cùng người ủng hộ phong trào lao động tư sản.[25] Giữa những rối ren này, Eino Leino từ bỏ vai trò nhà hoạt động chính trị cho Đảng Người Phần Lan Trẻ trên tờ Helsingin Sanomat. Ông thất vọng lo sợ rằng tờ báo sẽ không còn tự do độc lập giữa các âm mưu chính trị và mong muốn có trao đổi thảo luận văn hóa-tư tưởng về tương lai đất nước.[26]

Các bài báo nổi tiếng của Leino Aleksis Kivi ja Päivä (Aleksis Kivi và Päivä) (10 tháng 10 năm 1907), Runebergin päivän vietosta sananen (Đôi lời về kỷ niệm Ngày Runeberg) (13 tháng 2 năm 1908) và Hedelmättömyyen henki (Tinh thần khô héo) (1 tháng 12 năm 1908) xuất hiện trên tuần báo mới Päivä (Ngày). Tờ báo này kết hợp mạng lưới các nhà hoạt động nói tiếng Phần Lan và Thụy Điển và những người tự do cánh tả. Trong đó, ông tìm kiếm nguyên nhân mất đoàn kết dân tộc và đưa ra tuyên bố riêng mình về "người Phần Lan có văn hóa". Thay cho tinh thần Phần Lan được xây dựng trên RunebergSnellman, ông đã đào sâu dựa vào Aleksis Kivi và Elias Lönnrot. Leino dùng những bài báo này chỉ trích "nền giáo dục địa phương" tại trường học và "nỗi bi quan mòn mỏi" của đô thành văn minh. Ông nhìn coi kỷ niệm Ngày Runeberg là "cường điệu đánh trống bỏ dùi" và "trò vui thượng lưu".[27]

Chuyến đi Ý – Mùa Bohemia – Sunnuntai

Onnen orja (1913), tập cuối trong loạt tiểu thuyết Orja của Leino

Tháng 8 năm 1908, Eino Leino rời Phần Lan đến Ý. Một phần kinh phí do quỹ quảng bá văn học Phần Lan tài trợ cho việc dịch thuật Thần khúc của Dante. Sau vài tháng ở Đức rồi đến Roma, Leino bắt đầu nghiên cứu chuyên sâu tiếng Ý và viết về Dante. Mùa đông năm 1908–1909, Leino tham gia cùng các tác gia Phần Lan khác đang ở lại Roma như L. Onerva, Aarni Kouta, Santeri Ivalo, Onni Okkonen, Liisi KarttunenHenry Biaudet. Ngoài việc dịch Dante ra tiếng Phần Lan, Leino cũng phác thảo các vở kịch ở Roma và viết du khảo cho tờ Turku Sanomat. MÙa xuân 1909, ông cùng Onerva rời Phần Lan, tạm dừng lại trên đường tới Berlin.[5] Dù hai người không tiến tới hôn nhân nhưng họ tiếp tục giữ tình bạn và hợp tác với nhau cho đến khi Leino qua đời.[1]

Thập niên 1910, hình ảnh Leino định hình như thế giới về sau biết đến: một người Bohemia mặc áo choàng đeo trang sức với những lọn tóc dài, một flâneur lang thang trong các nhà hàng cùng có mạng lưới xã hội rộng rãi . Năm 1914, Leino kết hôn với nghệ sĩ đàn hạc Aino Kajanus là con gái của Robert Kajanus, nhưng ngay năm sau đó, ông bỏ lại lối sống vạch sẵn như vậy.[1]

Trong thời kỳ này, Leino sáng tác rất năng suất, dường như chỉ luôn gia tăng. Bản dịch Thần khúc tiếng Phần Lan được xuất bản từ năm 1912 đến 1914, các tập thơ mới nối tiếp nhau. Sau chuyến đi Roma, Leino bắt đầu viết các tiểu luận lịch sử văn học, trong đó vạch ra hướng phát triển của văn học trong và ngoài nước, đồng thời giới thiệu đại diện các xu hướng văn học khác nhau. Ban đầu, Leino điều chỉnh chân dung các nhà văn Phần Lan làm "câu chuyện nền" Helsingin Sanomat cho tác phẩm Suomalaisias kirjailijaita (Nhà văn Phần Lan) (1909). Những phác thảo khéo léo về tinh thần và môi trường văn hóa các thời đại khác nhau, cũng như tóm lược phù hợp với đặc điểm từng nhà văn giúp cho tác phẩm trở thành một tiểu luận kinh điển của văn học Phần Lan.[28]

Leino tạo ra một lát cắt văn hóa và xã hội thời đại mình trong loạt tiểu thuyết Orja (1911–1913). Nhật vật chính trong đó kiếm ý nghĩa cuộc đời, trải từ Berlin đến Paris và qua Copenhagen đến Roma. Tiểu thuyết Pankkiherroja (1914) mô tả Helsinki của bọn cướp ngân hàng và lũ đầu cơ. Nội tâm và suy ngẫm số phận thi nhân được ẩn dụ trong chuyện về động vật Mesikämmen (1914), Musti (1916) và trong tác phẩm tự thú theo thông thiên học-thuyết phiếm thần Alla kasvon Kaikkivallan (Dưới nhan Đấng Toàn Năng) (1917).

Đầu thập niên 1910, Leino bận rộn với các công việc sân khấu và biểu diễn. Hè năm 1912, cùng với giám đốc nhà hát Kaarle Halme, ông thành lập sân khấu ngoài trời "Helkanäyttamö" ở Seurasaari dành cho các vở kịch Kalevala của mình. Tuy nhiên, hàng nghìn khán giả không nghe rõ lời thoại và chán chường vì thiếu vắng đạo cụ sân khấu hỗ trợ. Nỗ lực kết thúc trong thất bại.[5] Leino cũng thương mại hóa thơ mình để kiếm thêm thu nhập khi đi đọc thơ trên khắp đất nước. Ông liên tục sáng tác kịch bản mới: Tuomas biispa (1909) cũng bối cảnh trung cổ như nhiều vở trước đó, cibf Alcibiades (1909) là bi kịch với bối cảnh Hy La cổ đại. Kirkon vihollinen (Kẻ thù giáo hội) và Maan parhaat (Điều hay nhất của đất nước) (1911) chế nhạo thói đạo đức giả của lớp cựu trào Phần Lan lấy bối cảnh đương thời. Kịch nghị luận Karjalan kuningas (Vua Karelia) (1917) theo lăng kính Kalevala là hồi chuông cảnh tỉnh về lòng nhân hậu thuần khiết. Leino xuất bản gần như tất cả kịch bản trong loạt sáu phần Naamioita (1905–1911). Trong tập năm Naamioiden (1909), Shakkipeli (Ván cờ) đã thu gọn lịch sử xen giữa vào dòng kịch, có thể là do sở thích cá nhân của tác giả. Cả đời Eino Leino thích chơi cờ vua, thậm chí đứng đầu giải Câu lạc bộ cờ vua Helsinki tháng 2 năm 1906.[29]

Leino với Kaarle Halme sau đó tiếp tục hợp tác với nhau trong điện ảnh. Bộ phim truyện đầu tiên của Phần Lan Kesä (Mùa hè) do Leino viết kịch bản còn Halmee đạo diễn. Phim chiếu ra mắt tháng 1 năm 1915 tại nhà hát Lyyra, Helsinki.[30][31]

Một trang bản thảo Helkavirsiä tập 2

Năm 1915, Leino tham gia thành lập tuần báo văn học Sunnuntai (Chúa Nhật).[5] Leino đứng vai trò biên tập, bên cạnh nhóm trí thức, những người theo chủ nghĩa hòa bình và những người theo thuyết thông thiên học tại Helsinki. Nhờ vào mối quan hệ rộng rãi, Leino được nhiều nhà văn và nhà nghiên cứu nổi tiếng trợ giúp. Ông dùng bút danh "Kanttori Sepeteus" để than phiền về thời cuộc thế giới và viết xã luận sâu rộng về tình hình chính trị đương thời. Trong đó, ông cố gắng duy trì niềm tin vào con người giữa sự hỗn loạn của chiến tranh thế giới.[32]

Cuối năm 1916, sau những đêm bận rộn biên tập Sunnuntai, loạt Helkavirsiä thứ hai lên báo. Theo Viljo Tarkiainen, cái nhìn thơ ca về vũ trụ-thần thoại giờ đây bước sang "đôi khi dọc theo ngoại giáo - shaman giáo, đôi khi theo thuyết phiếm thần Cơ Đốc giáo, đôi khi là dòng mơ mộng thần học".[33] Loạt thơ này được diễn giải theo hướng lột tả vẻ gợi cảm và khêu gợi.[34] Cùng năm 1916, ông bắt đầu ngưỡng mộ và say mê Aino Kallas. Tình cảm dành cho nữ văn sĩ Estonia gốc Phần Lan đã cho ra đờiJuhana Herttuan ja Catharina Jagellonican lauluja (Khúc ca của Juhana Herttua và Catharina Jagellonica) (1919) sáng tác theo phong cách Phục Hưng. Lời đối thoại bằng thơ này lần đầu tiên ra mắt tại Turku rồi đến Gripsholm, được chính Leino gọi là món quà "lãng mạn cuối cùng" dành tặng người thương.[35] Eino Leino cũng đề cập số phận thi sĩ của chính mình trong bài thơ Bellerophon (1919) thông qua chuyện thần thoại Hy Lạp về Bellerophon và ngựa thần Pegasus để tổng hợp quan điểm bi thảm-lạc quan về cuộc sống.[36]

Năm 1918

Chân dung Eino Leino do người bạn Akseli Gallen-Kallela vẽ năm 1917

Ngay từ tháng 11 năm 1917, Eino Leino đã căng thẳng cảnh báo trên tạp chí Sunnuntai rằng đất nước đang "bên bờ nội chiến " và chỉ trích gay gắt những người theo chủ nghĩa xã hội khi họ bắt đầu "theo đuổi sự nghiệp bằng máu nhân dân và nọc độc của lũ xâm lược ngoại bang" (Số 40-41/1917). Tình hình chính trị leo thang thành Nội chiến Phần Lan là trải nghiệm cay đắng đối với Leino, người vốn luôn viết về lòng khoan dung cũng như đánh giá cao phong trào lao động có nhiều bạn bè mình trong đó. Mùa xuân năm 1918, Leino chứng kiến Hồng vệ binh chiếm giữ Helsinki và mô tả cảm nhận của mình trong tiểu thuyết phóng sự Xâm chiếm Helsinki (tiếng Phần Lan: Helsingin valloitus) năm 1918. Ông đã chào đón Sư đoàn biển Baltic của Đức mang danh nghĩa giải phóng để xâm lược miền nam Phần Lan và chiếm đóng Helsinki. Mặt khác, Leino về sau thúc đẩy lệnh ân xá chung cho các tù nhân Đỏ[37] và yêu cầu bãi bỏ án tử hình.[38]

Tháng 4 năm 1918, loạt bài báo 6 kỳ của Leino "Vì công nhân Phần Lan" được đăng trên tạp chí Dân chủ Xã hội Työn valta ("Quyền lực Lao động"), với tư cách nhà văn vô tư thuộc tầng lớp "dân nghèo văn minh", ông kêu gọi mạnh mẽ cho hòa bình và hiểu biết lẫn nhau. Ông viết: "Nền dân chủ xã hội sẽ không có tương lai ở Phần Lan trừ khi có thể tiếp thu "những lý tưởng vĩnh cửu" về tính hợp pháp, dân chủtự do dân sự".[lower-alpha 2] Theo chủ nghĩa Karelia, Leino cũng từng phục vụ trong chiến tranh với tư cách là cố vấn không chính thức cho Sulo Wuolijoki, thư ký ủy ban đàm phán hiệp ước nhà nước giữa Phần Lan và nước Nga Xô viết. Sau chiến tranh, Leino không bị kết tội vì phục vụ cho chính quyền Phái đoàn Nhân dân Phần Lan (tiếng Phần Lan: Suomen kansanvaltuuskunta).[39]

Leino cũng thuật lại nội chiến trong tiểu thuyết Punainen sankari (Anh hùng đỏ) (1919) và sử thi Vanha pappi (Giáo sĩ già) (1921). Nhân vật chính của Punainen sankari là một thẩm phán cộng sản, tự bỏ đi danh dự để bao che cho tên trùm nhưng cuối cùng phải trả giá bằng chính mạng sống bởi luật pháp cộng sản. Vanha pappi vẽ nên bức tranh rộng lớn khắc họa Tavastia có những giáo sĩ hoạt động ngầm, bị "lũ bất lương trên phố" "bọn thú vật ngoại ô" phe đỏ bắt bớ. Ông mô tả "sự hy sinh quên mình" của những người phe trắng theo phong cách Runeberg với những lý tưởng mạnh mẽ. Tập thơ "Vapaude kirja" (1918) tập hợp các bài theo chủ đề chính trị và đất nước do Leino sáng tác trong hai thập kỷ, trong đó phản ánh những cảm xúc mâu thuẫn do cuộc nội chiến tạo ra. Đối với nhà phê bình đương đại Huugo Jalkanen, tập thơ giống như "chiếc trống ma thuật" để các thế hệ tương lai có thể hình dung ngay lập tức về số phận và trải nghiệm kinh hoàng của tiền nhân.[40]

Tháng 7 năm 1918, bạn bè tổ chức bữa tối sinh nhật lần thứ 40 linh đình cho Leino.[41] Cùng năm, ông được Nhà nước tặng trợ cấp dành cho văn sĩ.[1]

Những năm cuối

Cáo phó Leino trên tờ Suomen Kuvalehti ngày 16 tháng 1 năm 1926

Đầu thập niên 1920, sức khỏe và tinh thần Leino đều suy giảm, ông phải nằm viện dài ngày. Tâm trí chán nản dao động ảnh hưởng đến thái độ và quan điểm ông. Từ một người ủng hộ ứng cử viên tổng thống Carl Gustaf Emil Mannerheim, Leino quay sang ngưỡng mộ Kaarlo Juho Ståhlberg.

Hè 1921, Leino dự chuyến du bút tới Estonia do thân hữu Phần Lan-Estonia là Aino và Gustav Suits tổ chức. Với những đêm thơ, đọc thơ và chào mừng tại TartuTallinn, chuyến đi thành công tốt đẹp và Eino Leino được mọi nơi đón nhận như một thi sĩ nổi bật.[42] Sau chuyến đi, Leino ký giấy kết hôn lần thứ ba với nhân viên ngân hàng Hanna Laitinen, cuộc hôn nhân thực tế chỉ kéo dài vài ngày.[43] Năm 1921, Leino nộp đơn xin từ bỏ quốc tịch Phần Lan. Ông đã viết thư cho Tổng thống Phần Lan Kaarlo Juho Ståhlberg và người đứng đầu Estonia là Konstantin Päts để xin được làm công dân Estonia. Leino cảm thấy mệt mỏi vì thiếu tiền đồng thời bị chỉ trích.[44]

Năm 1925, Leino viết thư cho người bạn Bertel Gripenberg "Cuộc sống luôn là cuộc đấu tranh với những thế lực muôn đời".[45] Năm ấy, ông biên soạn cuốn hồi ký Elämäni kuvakirja. Ngôi nhà cuối cùng Leino thuê ở là Nuppulinna Hyvinkää (nay là Tuusula).[46]

Qua đời

Năm 1926, ông qua đời ở tuổi 47 và rồi được an táng tại Nghĩa trang Hietaniemi ở Helsinki.[47] Là người nổi tiếng đương thời, nhà nước đã chi trả phí an táng đồng thời tổng thống Lauri Kristian Relander và các quan chức khác đến dự tang lễ.[5]

Hiện không chắc chắn về nguyên nhân cái chết của Eino Leino. Trong tác phẩm Mestari, nhà văn Hannu Mäkelä mô tả Leino qua đời vì bệnh tủy sống tiến triển và vôi hóa mạch máu khiến xuất huyết não, trước đó bệnh đã làm rối loạn chức năng vùng bụng. Theo Mäkelä, cả hai bác sĩ Wasastjerna và Lindén đều đã xác định nguyên nhân tử vong của Leino.[48] Nhưng bác sĩ tâm thần của Leino là Väinö Lindén lại dùng bút chì ghi chú bên lề cuốn tiểu sử của L. Onerva rằng ông qua đời vì bệnh giang mai.[44][49]

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Eino Leino https://www.kainuunsanomat.fi/artikkeli/kotiseutun... https://www.kainuuneinoleinoseura.fi/paltaniemi-sy... https://agricolaverkko.fi/review/paltaniemen-monit... https://estofilia.finland.ee/2018/01/eino-leino.ht... http://hannumakela.com/webpage/id/13.html https://www.helsinginseurakunnat.fi/material/attac... http://375humanistia.helsinki.fi/en/eino-leino/eig... http://runosto.net/eino-leino/ https://www.wikidata.org/wiki/Q360079#identifiers https://authority.bibsys.no/authority/rest/authori...